Vú sữa tím Tứ Quý cho trái quanh năm, hiệu quả kinh tế cao

Sóc Trăng Nhờ phát triển trồng và kinh doanh giống vú sữa tím Tứ Quý, nhiều nông dân ở vùng đất cồn Mỹ Phước có thu nhập ổn định cả tỷ đồng mỗi năm.

Vào năm 2010, ông Trần Anh Nhân ở ấp Mỹ Thuận, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện ra giống vú sữa tím đột biến trồng tại cồn Mỹ Phước.

Với đặc tính nổi trội là cho trái quanh năm, khả năng chống chịu mặn cao, ông Nhân nhận định, đây là cây trồng có ưu thế lớn, có khả năng cung ứng nguồn hàng ổn định phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Anh Nhân, ấp Mỹ Thuận, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được xem là “cha đẻ” của giống vú sữa tím Tứ Quý. Ảnh: Kim Anh.

Từ đây, ông Nhân bắt đầu hành trình mở rộng quy mô sản xuất lên 3,5ha và giữ ổn định đến nay.

Ông đặt tên cho giống vú sữa này là vú sữa tím Tứ Quý. Đồng thời đăng ký giống bảo hộ độc quyền với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cũng như được Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng công nhận vườn cây đầu dòng.

Năm 2020, ông Nhân đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Mỹ Phước với 21 xã viên, mục tiêu hình thành vùng chuyên canh vú sữa tím Tứ Quý.

Xã viên sẽ được hợp tác xã cung cấp cây giống, phân, thuốc sinh học, túi bao trái và bao tiêu đầu ra khi đến vụ thu hoạch.

Ông Nhân tính toán, trung bình, vú sữa tím Tứ Quý cho năng suất từ 400 - 500 kg/cây/năm. Mỗi trái có thể đạt trọng lượng từ 250 - 600g, tổng sản lượng khoảng 80 tấn/năm.

Giá vú sữa tím Tứ Quý luôn biến động ở mức cao, từ 30.000 đồng/kg đến trên 100.000 đồng/kg. Với quy mô canh tác 3,5ha, vú sữa tím Tứ Quý giúp gia đình ông Nhân đạt lợi nhuận khoảng 3,5 tỷ đồng/năm (sau khi trừ chi phí).

Nhận thấy được tiềm năng này, nhiều nông dân ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách tìm đến mua cây giống. Đến nay, mô hình trồng cây vú sữa tím Tứ Quý ở địa phương đã hình thành vùng nguyên liệu trên 41,3ha. Trong đó, khoảng 11,3ha đã được Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cấp mã số vùng trồng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, thời gian ra bông đến thu hoạch của giống vú sữa tím Tứ Quý trung bình khoảng 6,5 tháng, ngắn hơn các giống khác 1,5 tháng.

Trái khi chín có độ bóng, thịt mềm, nhiều nước, vị ngọt vừa, nên được thị trường khá ưa chuộng. Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh doanh tại thị trường nội địa, ông Nhân cũng đang liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Mỹ Phước đang phát triển trồng và kinh doanh một số loại cây ăn trái khác có tiềm năng kinh tế cao như: ổi siêu hồng giòn, mận hồng, mận xanh đường. Đặc biệt, HTX đang quản lý vùng trồng thanh nhãn khoảng 20,4ha. Toàn bộ diện tích này đã được cấp mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Australia.

Theo ông Nhân, ưu tiên hàng đầu của HTX là phát triển vú sữa tím Tứ Quý, tuy nhiên, vẫn cần đa dạng thêm các loại cây trái khác để phục vụ nhu cầu khách hàng và hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Vú sữa tím Tứ Quý khi chín có độ bóng, vỏ nhiều, thịt mềm, khá nhiều nước, trọng lượng từ 250 - 600g, được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Kim Anh.

Nhờ đó, doanh thu của hợp tác xã đang tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Từ những nỗ lực trong sản xuất và kinh doanh, ông Nhân đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Huyện Kế Sách hiện là vùng trồng và cung ứng vú sữa xuất khẩu chính của tỉnh Sóc Trăng. Toàn huyện hiện có trên 2.200ha trồng vú sữa, với các giống chủ lực là: vú sữa tím, vú sữa Lò Rèn, vú sữa tím Tứ Quý, Bơ Hồng và Tím Đào.

Trong đó, sản phẩm vú sữa tím Tứ Quý đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và có tem điện tử truy xuất nguồn gốc.

KIM ANH - VĂN VŨ

https://nongnghiep.vn/vu-sua-tim-tu-quy-cho-trai-quanh-nam-hieu-qua-kinh-te-cao-d399841.html