Tre lục trúc sung sức trên đồi cằn

Cách đây 3 năm, chị Lê Thị Lan Hương (thôn Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), chuyển đổi gần 2ha cây cao su sang trồng tre lục trúc lấy măng. Vườn măng sau gần 2 năm đã cho thu hoạch và hiện đang vào chính vụ.

Vườn tre lục trúc lấy măng trên vùng gò đồi xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Đứng bên vườn tre lấy măng, chị Lan Hương cho biết, trước đây bà con địa phương trồng cây cao su trên vùng gò đồi miền tây huyện Bố Trạch rất thành công. Nhưng sau đó, bão lớn liên tục đã làm cho những rừng cao su bị gãy đổ không gượng dậy được.

Nhìn những vườn cao su gục ngã trước bão, chị trăn trở tìm được cây gì cho hiệu quả, lại vừa thích ứng với vùng mưa bão nhiều, hạn hán cũng lắm như Quảng Bình. Rồi một lần, chị ra các tỉnh phía Bắc và tình cờ biết được cây tre lấy măng giống lục trúc, liền nghĩ ngay tới việc đưa cây trồng này phát triển ở quê nhà.

Khi những hom giống măng đầu tiên được đưa về, chị Lan Hương ngày đêm ở lại vườn để theo dõi, chăm sóc. Tuy nhiên, tỷ lệ cây giống sống rất thấp. “Hàng trăm hom giống bị chết khiến tôi mất ăn, mất ngủ vì không thể biết được nguyên nhân” - chị Lan Hương nhớ lại.

Vượt qua những gian khó ban đầu, hơn 2.000 gốc tre được trồng theo hướng hữu cơ cũng dần bén rễ trên vùng đất đồi rộng hơn 2ha. Không phụ lòng chị, những hàng tre bật rễ, đâm chồi vươn lên dưới nắng hè ràn rạt gió Lào.

Gần 2 năm sau, những cây tre đã cứng cáp và khép tán, cho lứa măng đầu tiên. Mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20 - 30 cây, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15 - 30kg măng tươi. “Măng được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, mỗi ha cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng” - chị Lan Hương nói trong niềm vui.

Điều chị Lan Hương vui nhất là cây tre lục trúc rất hợp với khí hậu khắc nghiệt cũng như thổ nhưỡng ở vùng gò đồi này. Cây tre thấp, thân dẻo, chống chịu được gió bão. Lá tre khép tán cũng hạn chế được việc đất đồi bị rửa trôi, xói lở.

“Quy trình canh tác của chúng tôi là dùng phân chuồng ủ hoai với men vi sinh để bón quanh gốc tre. Cây tre rất khỏe và ít sâu bệnh nên nhà vườn chúng tôi không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, thuốc trừ cỏ cũng không sử dụng nên có thể nói sản phẩm măng tre hoàn toàn sạch” - chị Lan Hương bộc bạch.

Cũng theo chị Lan Hương, trong quá trình canh tác, nhà vườn không sử dụng các loại hóa chất, phân vô cơ… nên môi trường đất không bị ô nhiễm, ngày càng màu mỡ hơn, hệ vi sinh vật trong đất sinh sôi phát triển, cây tre cây sinh trưởng phát triển rất tốt và bền, chưa phát hiện sâu bệnh hại. Dưới tán tre, đất đồi như được phủ kín, không còn bị xói mòn và luôn có giun đất sinh sôi.

Qua hàng năm, vào lúc thu hoạch măng xong, thì nhà vườn chặt bỏ khoảng 15-20 cây tre đã già và chừa lại cũng chừng đó mầm măng để cho phát triển thành khóm và năm tiếp theo mầm măng sẽ được nhiều hơn. ”Khi đó, nhà vườn bắt đầu bón phân hữu cơ đã ủ hoai và bón thêm thêm vôi để diệt khuẩn và hạn chế các loại sâu bệnh có thể xảy ra”- chị Lan Hương cho hay.

Hiện, măng tươi của trang trại đang được bán với giá 60 ngàn đồng mỗi kg và được thị trường ưa chuộng vì ngọt, giòn nên sản phẩm thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Chị Lan Hương bảo: “Nhiều nhà hàng trong tỉnh và các thành phố lớn hay tin đã gọi điện đặt hàng với số lượng lớn nhưng chúng tôi chưa thể cung ứng được”.

Ngoài việc cung ứng măng tươi cho người tiêu dùng, chị Lan Hương còn sơ chế thành các sản phẩm như măng hấp, măng chua… cho vào túi bảo quản chân không để phục vụ khách hàng. Vừa giới thiệu, chị vừa lấy măng hấp chín từ lò bày ra đĩa mời chúng tôi nếm thử. Măng tươi hấp giòn, ngọt, không có vị đắng, chấm với muối lạc thật bắt miệng. “Nhiều người đến đây, tôi mời dùng thử món măng tươi hấp đã nói ăn đến no mà không chán” - chị Lan Hương nói vui.

Để xây dựng thương hiệu, chị Lan Hương đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại - Xây dựng Đức Thành. Công ty hiện đang thực hiện dự án trồng tre lấy măng trên diện tích khoảng 25ha.

Chúng tôi cùng chị Lan Hương ra vùng đất đang thực hiện dự án trồng tre lấy măng. Những hàng tre đã bén rễ chạy thẳng hàng xiên chéo qua vùng đồi. “Khoảng 1 năm nữa là vùng dự án này cho thu hoạch măng tươi. Hiện Công ty đang làm các thủ tục để công nhận vùng trồng hữu cơ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm” - chị Lan Hương nói thêm.

Chị Lan Hương cũng đầy tự hào khi cho biết đã chiết cành nhân giống tre lục trúc thành công. Toàn bộ giống cây thực hiện dự án mới đều do người lao động của Công ty tự làm lấy nên đảm bảo chất lượng. Sau khi trồng, tỷ lệ cây sống đạt rất cao.

TÂM PHÙNG

https://nongnghiep.vn/tre-luc-truc-sung-suc-tren-doi-can-d395322.html