Nông dân, HTX vẫn 'đau đầu' vì chưa có ‘thuốc đặc trị’ nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dởm’

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả đang trở thành mối đe dọa lớn đối với toàn ngành nông nghiệp. Mặc dù, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp kiểm soát nhưng tình trạng này chưa được cải thiện đáng kể, nông dân, HTX vẫn đang phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trung bình mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, dự báo nhu cầu sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số này là hàng giả, kém chất lượng, gây hại cho cây trồng và sức khỏe con người.

“Ma trận” phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả. Con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế, số lượng hàng giả tràn lan trên thị trường còn cao hơn nhiều, thường được bày bán công khai tại các chợ đầu mối, cửa hàng nhỏ lẻ, và thậm chí là các đại lý lớn.

Đơn cử, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện 27 vụ vi phạm, xử lý 26 vụ buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; phân bón giả không có giá trị sử dụng với tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỉ đồng.

Một số cơ sở sản xuất phân bón, thuốc BVTV bằng những thành phần kém chất lượng, nhưng được đóng gói với đầy đủ tem mác, thậm chí giả các thương hiệu lớn.

Đối với thuốc bảo vệ thực vật thì đơn vị kiểm tra 33 vụ và phát hiện 16 vụ vi phạm, xử lý 18 vụ vi phạm nhãn hiệu hàng hóa có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về nhãn hàng hóa đó với tổng số tiền phạt 475 triệu đồng.

Hay như tại tỉnh Tiền Giang, 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 77 vụ vi phạm, đã xử lý 73 vụ, thu phạt gần 1,3 tỷ đồng, trị giá tang vật vi phạm hơn 1,8 tỷ đồng đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng giả; hàng không đảm bảo chất lượng; không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện; không niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng... Còn đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, các đơn vị thường vi phạm về điều kiện kinh doanh và vi phạm về nhãn hàng hóa.

Phần lớn các sản phẩm này được nhập lậu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, sau đó được dán nhãn mác, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, một trong những chiêu trò phổ biến của các đối tượng buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả là sử dụng bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như: Phân Lâm Thao, Đạm Phú Mỹ,... để đóng gói sản phẩm kém chất lượng. Các bao bì này được in ấn rất tinh vi, từ màu sắc đến logo, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được hàng thật và hàng giả. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các hợp chất rẻ tiền, thậm chí là độc hại để thay thế cho các thành phần chính trong sản phẩm, làm giảm hiệu quả của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Hàng giả nhưng nỗi lo thật

Đối với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp là các hộ nông dân và các HTX. Trường hợp HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (Thường Tín – Hà Nội) là một trong những nạn nhân điển hình của vấn nạn phân bón giả. Vào đầu năm 2023, HTX quyết định đầu tư một số lượng lớn phân bón từ một nhà cung cấp mới với hy vọng nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các thành viên HTX nhận thấy cây trồng không phát triển như mong đợi, nhiều cây còn bị héo úa và chết dần.

Trao đổi với VnBusiness, anh Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc HTX nói: "Chúng tôi đã tin tưởng vào lời quảng cáo của nhà cung cấp mới, rằng phân bón của họ là sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao với giá cả phải chăng. Nhưng thực tế là bị lừa. Sau khi sử dụng phân bón này, hàng loạt các gốc cây cảnh, gốc hoa héo dần, thậm chí chết. HTX đã phải mời các chuyên gia nông nghiệp về kiểm tra và được kết luận rằng toàn bộ số phân bón là hàng giả, không đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng".

Cũng theo anh Tứ, thiệt hại không chỉ dừng lại ở đó, HTX đã mất một khoản tiền lớn để mua phân bón giả, chưa kể đến chi phí thuê chuyên gia và khắc phục hậu quả. Ước tính tổng thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng, gây áp lực tài chính lớn cho HTX và các thành viên.

Ông Nguyễn Văn Vịnh - một nông dân tại tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần mua phải phân bón giả, cây trồng không những không phát triển mà còn bị héo úa, dẫn đến mất mùa. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn để bảo vệ người nông dân."

Siết chặt quản lý tránh hệ lụy

PGS.TS Quang Minh Nhựt – Chuyên gia nông nghiệp, cho biết: Phân bón giả, kém chất lượng, không chỉ làm giảm chất lượng nông sản, năng suất cây trồng, để lại tồn dư hóa chất trong môi trường đất và nước, mà còn gián tiếp gây mất an toàn thực phẩm. Bởi, khi sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng, cây trồng không phát triển hoặc phát triển kém, nông dân sẽ phải phun thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc hóa học để cứu cây trồng. Việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc này dễ dẫn đến tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp, gây nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là với cây trồng ngắn ngày như rau xanh.

Đáng nói, các loại phân bón giả thường chứa hàm lượng dinh dưỡng thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cây trồng, dẫn đến suy giảm năng suất. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật giả không những không có tác dụng phòng trừ sâu bệnh mà còn chứa các chất độc hại, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

Hơn nữa, các chất hóa học có trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả có thể tồn tại trong đất và nước suốt nhiều năm, gây ô nhiễm lâu dài. Đặc biệt, các chất này có thể ngấm vào cây trồng, từ đó đi vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn, gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, suy gan, suy thận.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức nông nghiệp và người dân. Trước hết, cần có sự tăng cường về quản lý và giám sát từ phía các cơ quan chức năng. Cần thiết lập các quy định chặt chẽ về sản xuất, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm này, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Những biện pháp mạnh mẽ, như áp dụng các hình phạt nặng đối với những hành vi vi phạm, cũng là yếu tố quan trọng để răn đe và ngăn chặn các hành vi gian lận.

Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm đúng chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời minh bạch trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Hơn nữa, việc đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm an toàn, hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đồng thời, cần có các chương trình tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng sản phẩm an toàn, đúng cách để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần được nâng cao nhận thức về việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật và phân bón an toàn. Việc mua hàng từ các nguồn đáng tin cậy, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi sử dụng và báo cáo kịp thời các sản phẩm nghi ngờ giả mạo cho các cơ quan chức năng là những hành động cụ thể mà người tiêu dùng có thể thực hiện.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn đưa ra lời khuyên, người dân nên chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bởi đây cũng được coi là yếu tố then chốt quyết định tới chất lượng sản phẩm. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản.

Trước tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sẽ yêu cầu các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết về việc không mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục.

"Cục sẽ đề nghị các đơn vị cung cấp số điện thoại đường dây nóng, khuyến khích để người dân tố cáo các tổ chức, cá nhân nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục", lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật cho hay.

Lê Hồng

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/nong-dan-htx-van-dau-dau-vi-chua-co-thuoc-dac-tri-nan-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat-dom-1100898.html